Cơ quan chủ quản không 'buông', đại học một cổ ba tròng
Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trò chuyện với giáo sư - tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng, xung quanh câu chuyện này.
Tự chủ tài chính 22 năm, tổng tài sản tích lũy 2.200 tỷ đồng
* Phóng viên: Trường đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng (TDTU) là một trong 23 trường thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ. Đến nay, trường đã “thay da đổi thịt” như thế nào nhờ cơ chế này, thưa ông?
Giáo sư - tiến sĩ Lê Vinh Danh: Thật ra, TDTU là trường tự chủ đầu tiên và sớm nhất trong cả nước, từ khi chưa có quy định nhà nước về vấn đề này. Quá trình hình thành của trường rất đặc biệt. Thành lập ngày 24/9/1997 và từ đó đến đầu tháng 1/2003, trường có tên là Trường ĐH công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng. Đến tháng 1/2003, trường được đổi tên thành ĐH bán công Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc UBND TP.HCM. Đến ngày 11/6/2008, Thủ tướng Chính phủ đổi thành Trường ĐH Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN).
Trường tự chủ tài chính từ khi mới thành lập vì ngân sách nhà nước và tài chính công đoàn không thể cấp cho trường dân lập và trường bán công. Đến khi được chuyển về thành trường công thuộc Tổng LĐLĐ; tại văn bản số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2008, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của TDTU: “về mặt quản lý nhà nước, cơ chế tổ chức của trường được thực hiện như một trường công lập với cơ quan chủ quản là Tổng LĐLĐ VN; về mặt tài chính, trường không nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước và từ Tổng LĐLĐ VN. Tài sản được hình thành cho đến nay được coi là tài sản của Tổng LĐLĐ VN; không điều chuyển khỏi trường mà chỉ để phục vụ cho việc đào tạo của trường. Trường được tự quyết mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định như một trường ĐH ngoài công lập”.
Như vậy, trường tiếp tục tự chủ tài chính từ ngày thành lập đến nay đã gần 22 năm.
Đến năm 2015, khi Chính phủ ban hành Quyết định 158/QĐ-TTg về thí điểm đổi mới cơ chế quản lý, việc tự chủ của trường mới được pháp lý hóa. Trường tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trong quản trị ĐH đã có; cùng cơ chế do Đảng và Nhà nước tạo điều kiện để mở rộng quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục phát triển và trở thành mô hình tự chủ ĐH thành công nhất của đất nước.
Những thành tựu đạt được là minh chứng rất rõ và được quốc tế công nhận. Trường được QS xếp hạng top 291-300 trong hơn 500 ĐH tốt nhất châu Á; URAP (Tổ chức xếp hạng ĐH theo thành tựu học thuật) xếp TDTU đứng thứ hai Việt Nam và đứng thứ 1.422 thế giới; Green Metric xếp TDTU hạng 142 trong top 750 ĐH phát triển bền vững nhất thế giới; THE xếp TDTU trong top 101-200 ĐH có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thế giới; đã xây dựng trường đạt chuẩn quốc tế và tổng tài sản tích lũy cho nhà nước hiện nay là 2.200 tỷ đồng.
* Mới đây, nhiều giảng viên, viên chức nhà trường gửi đơn phản đối về việc cơ quan chủ quản là Tổng LĐLĐ VN, đòi trích nộp 30% và đã “đòi” hơn một lần. Theo ông, mâu thuẫn này có phải xuất phát từ việc tài sản, nguồn thu của trường ngày càng lớn?
- Với tư cách lãnh đạo nhà trường, chúng tôi không can thiệp vào việc viên chức, giảng viên kiến nghị, phản đối với ai. Thầy cô của trường đều là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Họ là những người có đầu óc độc lập và tự quyết định cũng như tự chịu trách nhiệm về hành vi. Lãnh đạo nhà trường mà nói sai, cũng đã từng bị họ phản ứng thẳng vào mặt. Quyền kiến nghị, phản đối hay tố cáo là những quyền công dân được luật pháp cho phép và không ai có quyền can thiệp hay tìm hiểu về quyền này của họ.
Việc Tổng LĐLĐ VN yêu cầu các đơn vị trực thuộc trích nộp kinh phí kết dư là chuyện đã có từ lâu. Nhưng trước năm 2016, Chủ tịch Tổng LĐLĐ thời đó không yêu cầu các trường học trực thuộc trích nộp bởi các trường học được điều tiết bởi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục ĐH; họ không phải là các cấp công đoàn để mà chịu sự điều tiết bởi các quy định của tổ chức công đoàn. Nhưng đến khi có chủ tịch mới, thì chủ tịch yêu cầu trường phải nộp.
Nhà trường đến nay vẫn không nộp vì việc này là chưa có tiền lệ; và trong lịch sử giáo dục VN từ trước tới nay chưa có một cơ quan chủ quản nào đòi trường học trực thuộc của mình phải nộp tiền. Trong khi lẽ ra, Nhà nước và cơ quan chủ quản phải đầu tư để trường phát triển tốt hơn, vì đó là sự đầu tư cho lợi ích lâu dài của người học, nhân dân và xã hội.
Một cổ ba tròng làm sao phát triển
* Theo ông, cơ quan chủ quản có phải là khó khăn trong quá trình các trường thực hiện tự chủ? Thiếu tư duy văn minh trong việc điều hành của cơ quan chủ quản có phải là nguyên nhân kéo lùi sự phát triển của các cơ sở giáo dục trực thuộc? Ông có thể dẫn chứng cụ thể bằng câu chuyện của trường ông?
- Đương nhiên rồi. Từ năm 2005, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Nghị quyết 14/2005/NQ-CP, trong đó, ghi rõ: “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ĐH. Bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng giáo dục ĐH”.
Nhưng suốt tám năm trời, nghị quyết này hầu như không được thực hiện. Vì sự trì trệ này, Đảng phải tiếp tục ban hành Nghị quyết 29, rồi Nghị quyết 05 và gần đây, là Nghị quyết 19-NQ/TW để quyết liệt thúc đẩy đổi mới cơ chế hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có trường học. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 77, Nghị quyết 89, rồi Nghị quyết 08/NQ-CP; nhưng công việc vẫn chuyển biến rất chậm.
Rõ ràng, khi cơ chế bộ chủ quản vẫn còn; thì cơ chế đại diện chủ sở hữu chưa hình thành, vai trò chủ sở hữu và vai trò quản lý chưa được tách bạch theo chỉ đạo của Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, và hội đồng trường của các ĐH công lập chỉ có hình thức. Ít có cơ quan chủ quản nào tự động buông bỏ quyền lực vì quyền lực luôn gắn với lợi ích nhóm.
Khi cơ quan chủ quản không chịu buông cho hội đồng trường trở thành cơ quan quyền lực cao nhất của trường ĐH thì trường ĐH sẽ chịu ba tròng lãnh đạo: hội đồng trường, bộ chủ quản, Bộ GD-ĐT. Cơ chế như thế thì làm sao phát triển được.
Trong hơn 10 năm qua, sở dĩ TDTU phát triển thần tốc và chất lượng là vì Chủ tịch Tổng LĐLĐ cũ đã ủy quyền cơ chế chủ quản hoàn toàn cho hội đồng trường; và hội đồng trường từ năm 2006 đến 2016 hoàn toàn có thực quyền.
Sự đoàn kết giữa hội đồng trường và ban giám hiệu là cơ sở cho những quyết định chính xác, đúng đắn và hiệu quả suốt những năm đó. Đến khi có Chủ tịch Tổng LĐLĐ mới, thì sự can thiệp của cơ quan chủ quản bắt đầu lại quay trở lại bằng rất nhiều văn bản hành chính. Đó là lý do của những sự việc vừa qua.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến quan ngại, nếu bỏ hẳn cơ quan chủ quản thì ai sẽ giám sát? Khi đó, hội đồng trường có trở thành “vua một cõi”, trong một số trường hợp hiệu trưởng khi hết nhiệm kỳ thành chủ tịch hội đồng trường “buông rèm nhiếp chính” không, thưa ông?
- Câu trả lời là không có khả năng đó. Hội đồng trường có thực quyền là hội đồng trường có thể lựa chọn hiệu trưởng tốt, có thể miễn nhiệm hiệu trưởng dễ dàng; có thể thay thế hiệu trưởng không khó khăn. Lúc đó, hiệu trưởng phải làm việc hiệu quả, bảo đảm sự phát triển của trường mới tồn tại được.
Lưu ý rằng, hội đồng trường làm việc theo cơ chế đại nghị và biểu quyết theo đa số. Không thành viên nào có quyền áp đặt ý chí lên hội đồng và không ai có quyền đơn phương đưa ra quyết định cho hội đồng. Gần 20 năm qua, doanh nghiệp nhà nước đã được bỏ chủ quản và hoạt động theo cơ chế quản trị bởi hội đồng quản trị gồm đại diện các bên liên quan. Chúng ta có thấy doanh nghiệp nào có vua một cõi không? Chúng ta có mất doanh nghiệp nào vào tay tư nhân không? Nay lại có lý luận là bỏ cơ chế chủ quản sẽ mất trường, sẽ bị tư nhân hóa trường học.
Chung quanh một ĐH, giám sát có quá nhiều: Kiểm toán nhà nước, Cục quản lý tài sản công, đại diện chủ sở hữu và chính quyền địa phương trong hội đồng trường, Thanh tra Chính phủ. Ai có thể trở thành “vua một cõi” trong cơ chế giám sát ấy? Ai có thể chống lại Nghị quyết 19; tư nhân hóa được trường trong cơ chế giám sát ấy?
Con đường tất yếu của Đại học công là đại học phi lợi nhuận thuộc sở hữu toàn dân
* Chúng ta thường ví von cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục cũng giống như mối quan hệ cha - con. Theo ông, trong tương lai mối quan hệ này sẽ phát triển theo kịch bản nào?
- Đây là thói quen rất cần được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với bước tiến của đất nước. Trong thời bao cấp, cơ quan chủ quản là chủ thể đẻ ra đơn vị sự nghiệp, tuyển nhân sự, đầu tư tài chính, tài sản; đào tạo người quản lý, trang bị mọi phương tiện; và chi bao cấp cho toàn bộ kinh phí hoạt động; giao dự toán, duyệt quyết toán, duyệt kế hoạch hằng năm... Nói chung là quyết định mọi thứ của đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Bản thân đơn vị sự nghiệp trực thuộc không có quyền gì ngoài một quyền: làm theo đúng các mệnh lệnh của cơ quan chủ quản. Nói đến quan hệ cha - con trong thời này thì có phần nào đúng nhưng chỉ phần nào thôi.
Ngày nay, kiểu quan hệ đó đâu còn nữa. Bởi không những xã hội chúng ta không còn phát triển theo con đường bao cấp; mà cơ quan chủ quản không có khả năng tài chính để bao cấp toàn bộ như ngày xưa. Mọi đơn vị sự nghiệp công lập (trừ một số đơn vị đặc biệt) đều phải tự chạy, tự vận động; tự quyết định và tự chịu trách nhiệm chứ đâu còn ngồi đó để mà chờ cơ quan chủ quản lo mọi thứ. Khi đơn vị sự nghiệp đã độc lập, thì quan hệ cha - con với ai?
Tương lai, chúng ta sẽ thấy không còn đơn vị sự nghiệp của bộ này hay ngành kia. Chỉ còn đơn vị sự nghiệp sở hữu toàn dân, cung ứng dịch vụ trong ngành này hay ngành khác mà thôi. Đối với trường ĐH công, thì con đường tất yếu là tất cả sẽ trở thành ĐH phi lợi nhuận thuộc sở hữu toàn dân.
* Xin cảm ơn ông.
Bỏ cơ chế chủ quản càng sớm càng tốt
* Từ ngày 1/7 tới, Luật Giáo dục ĐH sẽ có hiệu lực, nêu cao tinh thần tự chủ. Tuy nhiên, câu chuyện tự chủ, bỏ cơ quan chủ quản… đã được Nghị quyết 14/2005 đề cập từ lâu và sau đó có nhiều văn bản quy phạm nói đến vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều thay đổi. Liệu tự chủ ĐH có trở thành câu chuyện hình thức? Ông có đề xuất gì để việc tự chủ được hiện thực một cách triệt để?
- Với TDTU, chúng tôi chỉ đề nghị hai điều: cơ quan chủ quản phải tôn trọng hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường; và thực hiện đúng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH; bởi luật này là sự thể hiện ý chí lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Trên bình diện quốc gia, tự chủ ĐH nói riêng và mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung chỉ có thể được thực hiện khi và chỉ khi cơ chế chủ quản không còn nữa. Do đó, nếu muốn việc tự chủ ĐH không là hình thức, thì hệ thống chính trị của chúng ta phải quyết tâm bỏ cơ chế chủ quản và cần bỏ càng sớm càng tốt. Lúc đó, tự chủ ĐH mới được thực hiện triệt để.
Tiêu Hà
Nguồn: Báo Phụ Nữ
- Log in to post comments